Tín hiệu tốt về giá
Theo dự thảo mới nhất được Bộ Công thương đề xuất, giá điện mặt trời áp mái vẫn giữ nguyên ở mức ưu đãi 9,35 cents/kWh.Trong khi giá điện mặt trời nổi, điện mặt trời mặt đất bị điều chỉnh giảm mạnh. Đây được xem là động lực lớn cho đà tăng trưởng của điện mặt trời áp mái tại Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung.
Theo số liệu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố: “Tính tới hết tháng 8/2019, có gần 13.000 công trình điện mặt trời áp mái đăng ký bán điện cho Tập đoàn, với tổng sản lượng điện bán là 30,5 triệu kWh.
Dự kiến, đến cuối năm 2019 sẽ có thêm 300 MW điện mặt trời áp mái được lắp đặt và đến cuối năm 2020, tổng công suất điện mặt trời áp mái có thể đạt 2.000 MW.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, Tổ chức Thúc đẩy đầu tư năng lượng sạch (CEIA) tại Việt Nam cho biết, sự tăng trưởng của thị trường điện mặt trời trong nửa đầu năm 2019 đã chứng tỏ rằng, chương trình FIT (với các hướng dẫn rõ ràng về thanh toán, chính sách giá và việc sử dụng điện) đã tạo nên thị trường sôi động đối với các dự án điện mặt trời áp mái.
Tổng công suất lắp đặt điện mặt trời áp mái tại Việt Nam đã tăng hơn 10 lần, từ mức khoảng 18 MWp vào cuối năm 2018 lên hơn 200 MWp cho tới nay. CEIA là một sáng kiến ra đời nhằm mục đích khắc phục những rào cản trong việc nhân rộng sử dụng năng lượng sạch ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Đà tăng trưởng ấn tượng của thị trường điện mặt trời áp mái Việt Nam xuất phát từ 2 yếu tố chính: thứ nhất, sức hấp dẫn của giá FIT thôi thúc dòng vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này; thứ hai, điện mặt trời áp mái thường có khả năng cạnh tranh về giá cao hơn khi so sánh với việc sử dụng điện từ lưới điện.
Hai yếu tố trên đã tạo động lực lớn để các doanh nghiệp phát triển dự án, công ty dịch vụ năng lượng và cả các tổ chức sử dụng năng lượng lớn (thuộc lĩnh vực thương mại và công nghiệp) tham gia sâu hơn vào thị trường điện mặt trời áp mái.
Nếu mức giá FIT hiện tại là 9,35 cent/kWh được kéo dài tới năm 2021 như dự thảo mới nhất, đây sẽ là một tín hiệu tích cực với thị trường. Ngay cả khi chính sách giá có sự thay đổi, thì những lợi ích của việc tự sản xuất – tiêu thụ điện mặt trời áp mái vẫn rất hấp dẫn.
“Chính sách minh bạch và ổn định với điện mặt trời áp mái, cộng với việc nhu cầu sử dụng điện gia tăng và nhiều khả năng xảy ra thiếu hụt nguồn cung điện từ EVN trong trung hạn là những động lực chính giúp thị trường điện mặt trời áp mái Việt Nam phát triển bền vững”, CEIA nhận định.
Dự kiến bùng nổ đến cuối năm 2020
Hiện tại, nhiều nhà máy điện mặt trời không thể phát hết công suất lên lưới điện quốc gia, vì lưới truyền tải điện cục bộ bị quá tải, do sự bùng nổ của các nhà máy nhằm hưởng ưu đãi giá điện trước
Trong bối cảnh này, điện áp mái càng được khuyến khích đưa vào sử dụng, bởi có thể giảm áp lực lên hệ thống truyền tải.
Việt Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn về điện mặt trời. Trong đó, việc ứng dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời lắp mái để sản xuất điện sẽ góp phần giúp các gia đình, doanh nghiệp giảm đáng kể chi phí tiền điện và giảm áp lực cung ứng điện cho ngành điện, đặc biệt vào mùa nắng nóng.
Các doanh nghiệp điện mặt trời áp mái nhận thức rõ cơ hội dành cho lĩnh vực này và đang có chiến lược tập trung khai thác cơ hội.